Xin Phó giáo sư giải thích cụ thể Nitrite là chất gì?
Nitrite còn gọi là “muối diêm” vì có tinh thể giống muối ăn thông thường, được sử dụng khá phổ biến để làm chất bảo quản trong sản xuất các sản phẩm chế biến sẵn từ thịt. Khi gặp điều kiện nhiệt độ và môi trường thuận lợi, Nitrite có thể biến đổi thành một dạng muối gọi là Nitrate. Cả
Nitrite và Nitrate đều tự phát sinh trong tự nhiên, có trong rau củ, thực phẩm,…nhưng với một hàm lượng không đáng kể.
Mặt có lợi của chất bảo quản Nitrite là khả năng ức chế sự sinh sôi phát triển vi khuẩn có trong thịt, giữ cho thịt chậm ôi, từ đó ngăn chặn các tình trạng ngộ độc thực phẩm ở người. Ngoài ra, khi Nitrite kết hợp với myoglobin (một loại sắc tố góp phần tạo nên màu sắc cho thịt) sẽ tạo thành nitrosomyoglobin - một hợp chất có màu đỏ tươi có khả năng giữ cho thịt có màu sắc bắt mắt dù đã qua chế biến ở nhiệt độ cao, hơn nữa còn giúp gia tăng hương vị đặc biệt ở thịt.
Nitrite còn gọi là muối diêm, là chất bảo quản thường được sử dụng trong thực phẩm chế biến như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, chỉ nên sử dụng với hàm lượng cho phép.
Không thể phủ nhận tính hiệu quả của Nitrite trong việc bảo quản thịt, ngăn chặn sự hình thành các vi khuẩn, trực khuẩn gây ngộ độc. Tuy nhiên, nếu dung nạp Nitrite quá hàm lượng cho phép (hàm lượng cho phép dao động từ 60-150mg/kg sản phẩm chế biến sẵn) và với tần suất thường xuyên sẽ gây ra các tác hại cho sức khoẻ. Cụ thể, khi Nitrite tiếp xúc với các axit amin trong thịt, sẽ tạo thành hợp chất nitrosamines có thể phá hỏng DNA, liên quan với khả năng tăng bạch cầu cấp tính và các nguy cơ ung thư như ung thư tuyến tuỵ, trực tràng, dạ dày.
Vậy trong ăn uống hàng ngày, hàm lượng Nitrite dung nạp vào cơ thể như thế nào sẽ gây ra những tác hại cho sức khoẻ?
Theo IARC – Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về Ung thư thì hàm lượng Nitrite chấp nhận hàng ngày của người trưởng thành là 0.5-5mg trên mỗi kg thể trọng
([1]) (trừ trẻ em dưới 1 tuổi). Nếu vượt ra khỏi ngưỡng này thì khả năng bị ngộ độc là rất cao. Chính vì những mối nguy tiềm ẩn cho sức khoẻ, vài năm gần đây, các nước phát triển đã bắt đầu sử dụng Nisin – một chất kháng khuẩn có nguồn gốc tự nhiên trong chế biến thực phẩm, thay vì sử dụng các chất bảo quản có nhiều nguy cơ gây hại như Nitrite. Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm Thế giới (gọi tắt là FAO) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (gọi tắt là FDA, Mỹ) đã công nhận Nisin là một phụ gia thực phẩm an toàn
([2])([3]). Chất kháng khuẩn Nisin được sử dụng rất phổ biến, rộng rãi ở các nước tiên tiến như Hà Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch, Anh…và nhiều quốc gia Châu Âu nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Lời khuyên của phó giáo sư dành cho người tiêu dùng trong việc kiểm soát hàm lượng Nitrite trong ăn uống?
Trên thực tế chúng ta rất khó kiểm soát vì Nitrite là một thành phần có trong tự nhiên. Chẳng hạn như trong các loại rau như rau diếp (xà lách) hay rau bó xôi (rau chân vịt) thường có nồng độ Nitrite cao hơn các loại rau khác. Do đó, việc ước lượng chính xác hàm lượng Nitrite dung nạp vào cơ thể hàng ngày là rất khó. Trong khi đó, thực đơn ăn uống của các gia đình thường phong phú và có sự hiện diện của rau, củ, quả, thịt và những món ăn chế biến sẵn như dăm bông, thịt hun khói, pa tê, xúc xích - món khoái khẩu của nhiều người, nhất là trẻ em. Cách tốt nhất là nên đọc kỹ bao bì sản phẩm, lựa chọn những sản phẩm không chứa chất bảo quản Nitrite hoặc chọn sản phẩm chế biến sẵn có nồng độ Nitrite rất thấp, cũng như giảm tần suất tiêu thụ chúng.
Hoàng Lan